info@luatminhanh.vn

Luật Minh Anh

Minh Anh Law Firm

Chính sách ưu đãi đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài

Với xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, đầu tư nước ngoài là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam là một trong những môi trường đầu tư tiềm năng mà nhiều nước đang hướng đến. Với chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu vươn ra thị trường quốc tế thì nguồn vốn, nguồn lực từ các nhà đầu tư trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ở bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung phân tích các Chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Cơ sở pháp lý:
– Luật Đầu tư (LĐT) 2014 và các văn bản hướng dẫn;
– Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (Luật TTNDN), sửa đổi năm 2013;
– Biểu cam kết gia nhập WTO của Việt Nam;
– Các hiệp định song phương và đa phương về đầu tư mà Việt Nam là thành viên.
Cụ thể như sau:
A. Chính sách ưu đãi đầu tư chung

  1. Chính sách về đầu tư kinh doanh chung (Điều 5 – LĐT)

– Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà LĐT không cấm.
– Nhà đầu tư được tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của LĐT và quy định khác của pháp luật có liên quan; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật.
– Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.
– Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế.
– Nhà nước tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư kinh doanh mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

  1. Hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư (Khoản 1 – Điều 15 – LĐT)

– Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp;
– Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư;
– Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.

  1. Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư (Khoản 2 – Điều 15 – LĐT)

Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 16 LĐT;
– Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của LĐT;
– Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư;
– Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên;
– Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ.

  1. Chính sách ưu đãi về thuế (Thông tư 83/2016/TT-BTC, Luật TTNDN)

Thuế thu nhập doanh nghiệp: Ưu đãi thuế suất (10% lên đến 15 năm và 20% lên đến 10 năm); miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa đến 9 năm); cho phép chuyển lỗ (trong vòng 5 năm); miễn đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư; cho phép được khấu hao nhanh…
Để được hưởng các ưu đãi này, Luật Thuế TNDN đã quy định nhiều tiêu chí ưu đãi khác nhau, như: Địa bàn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm, lĩnh vực giáo dục – đào tạo và môi trường…
– Thuế xuất nhập khẩu (Điều 5 – Thông tư 83/2016/TT-BTC)
Miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, vật tư, phương tiện vận tải và hàng hóa khác để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam. Thu nhập từ hoạt động chuyển giao công nghệ đối với các dự án thuộc diện ưu đãi đầu tư được miễn thuế thu nhập.
Hàng hóa được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
B. Hỗ trợ đầu tư trong KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế
(Quy định tại Điều 20, 21 – LĐT, Mục 2 Chương 3 – NĐ 118/2015/NĐ-CP)
Bao gồm:
Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất;
Hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu kinh tế, khu công nghệ cao;
Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu chế xuất;
Cụ thể:
– Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đã được phê duyệt, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển và tổ chức xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các khu chức năng thuộc khu kinh tế.
– Nhà nước hỗ trợ một phần vốn đầu tư phát triển từ ngân sách và vốn tín dụng ưu đãi để phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp tại địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
– Nhà nước hỗ trợ một phần vốn đầu tư phát triển từ ngân sách, vốn tín dụng ưu đãi và áp dụng các phương thức huy động vốn khác để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu kinh tế, khu công nghệ cao.
Mời xem thêm bài viết >> Điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư